Doanh nghiệp FDI: Tìm cơ hội trong thách thức

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu khiến nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh trên, cũng có một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tìm được cơ hội, tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Giang

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, từ đầu năm 2020 đến nay, có 61 dự án của DN FDI trong các khu công nghiệp của tỉnh đã điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 505 triệu USD. Điều này chứng tỏ, nhiều DN FDI vẫn tìm được thị trường để mở rộng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

* Đa dạng lĩnh vực

Qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, các DN FDI mở rộng sản xuất ở nhiều loại sản phẩm công nghiệp khác nhau gồm: dệt may, sản xuất máy móc và linh kiện, công nghiệp hỗ trợ… Có những DN FDI nhận được các đơn hàng lớn nên đã triển khai thuê đất xây dựng nhà xưởng và lắp ráp dây chuyền sản xuất.

Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP DN nhỏ và vừa Nhật Bản ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty chuyên xây dựng nhà xưởng cho các DN FDI và DN trong nước thuê để đặt nhà máy sản xuất. Hiện trong khu có hơn 50 DN thuê nhà xưởng để sản xuất. Tình hình dịch Covid-19 dẫn đến nhiều DN giảm sản xuất nhưng vẫn có một số DN FDI mở rộng được sản xuất, kinh doanh và thuê thêm nhà xưởng”. Cũng theo ông Chuyên, có khi cùng lĩnh vực nhưng DN này mở rộng được sản xuất vì ký được các đơn hàng lớn, song DN khác lại phải thu hẹp sản xuất vì đầu ra gặp khó khăn.

Đơn cử, trên lĩnh vực dệt may, những DN may quần áo xuất khẩu đa phần là gặp khó khăn, nhưng một số DN FDI kịp thời chuyển đổi sang may quần áo bảo hộ, khẩu trang, sản xuất vải không dệt… thì đầu ra khá tốt. Trong đó, có những DN FDI phải từ chối bớt các đơn hàng do không đủ số lượng để cung ứng và DN đang xây dựng thêm nhà xưởng để mở rộng dây chuyền sản xuất.

Ông Peter Wu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho hay: “Hiện nay, tôi đang quản lý 3 công ty trên địa bàn tỉnh và các công ty hoạt động tương đối ổn định. Sản phẩm làm ra gần 90% xuất khẩu sang Nhật Bản và Hoa Kỳ. Vừa qua, tôi đã hợp tác đầu tư thêm hơn 6 triệu USD để làm nhà xưởng, mua máy móc và dự kiến tháng 9-2020, sẽ đưa thêm 1 xưởng vào sản xuất giường bệnh cho ngành Y tế và máy đo thân nhiệt. Những mặt hàng trên làm ra chủ yếu xuất khẩu vào Hoa Kỳ”. Theo ông Peter Wu, có hàng chục DN Đài Loan tại Đồng Nai đang đầu tư mở rộng được sản xuất.

Theo Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai, cũng có hơn 10 DN Hàn Quốc tại Đồng Nai đã rót vốn vào để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

* Nhiều dự án tăng vốn lớn

Trong 7 tháng của năm 2020, các dự án FDI đăng ký tăng thêm vốn đầu tư lớn gấp gần 3,5 lần so với dự án đầu tư mới. Bởi những DN FDI đã đầu tư vào tỉnh biết rõ được các lợi thế, chính sách của tỉnh nên đã tin tưởng đầu tư thêm vốn vào Đồng Nai.

Một số dự án FDI có vốn điều chỉnh lớn là: Công ty TNHH Schaffler Việt Nam (100% vốn của Đức) ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) mới tăng vốn đầu tư thêm 50 triệu USD để mở rộng sản xuất các loại vòng bi lớn, nhỏ tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Như vậy, Công ty TNHH Schaffler Việt Nam hiện đã đầu tư vào tỉnh hơn 166 triệu USD.

Tương tự, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (vốn Thụy Sĩ) ở Khu công nghiệp Amata mới đầu tư thêm 35,5 triệu USD để xây dựng nhà máy đóng gói sản phẩm, nâng tổng vốn đầu tư vào Đồng Nai hơn 91 triệu USD. Công ty TNHH Changshin Việt Nam (vốn Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) đầu tư thêm hơn 87 triệu USD vào sản xuất giày dép xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên ngoài việc phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh cũng có nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành cần rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ, thủ tục để DN thuận lợi trong mở rộng sản xuất, xuất khẩu.

Thực tế các DN duy trì, mở rộng được sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sẽ góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, DN FDI, DN trong nước có doanh thu ổn định sẽ đóng góp cho thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai cũng như cả nước.

Theo Báo Đồng Nai

top