Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh phải giảm công suất vì thiếu nguyên liệu, đơn hàng. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) đang gấp rút xây dựng nhà xưởng, chờ qua dịch để đi vào sản xuất.
Một doanh nghiệp FDI thuê đất Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang tiến hành xây dựng nhà xưởng. Ảnh: U.Nhi
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện có 77 dự án của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang tiến hành xây dựng nhà xưởng, văn phòng. Các doanh nghiệp xây dựng những công trình trên khá nhanh, thời gian chỉ khoảng 6-18 tháng là có thể hoàn thành và đưa vào hoạt động.
* Nhiều doanh nghiệp vẫn mạnh dạn đầu tư
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều chịu thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, riêng mảng đầu tư của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lại ít bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp vẫn mạnh dạn rót vốn vào xây dựng nhà xưởng, văn phòng, sắm thiết bị máy móc để lắp ráp dây chuyền sản xuất. Theo thống kê, nguồn vốn đầu tư vào xây dựng nhà xưởng tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong các KCN của tỉnh có 6 dự án của các nhà đầu tư trong nước đang được xây dựng nhà xưởng, văn phòng. Các dự án trên có tổng vốn đăng ký gần 2,9 ngàn tỷ đồng.
Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển DN nhỏ và vừa Nhật Bản ở KCN Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, có khoảng 3 doanh nghiệp FDI đến đầu tư và họ đang hoàn thiện nhà xưởng, lắp đặt máy móc để chuẩn bị sản xuất. Các doanh nghiệp FDI vẫn giữ kế hoạch thực hiện dự án, vẫn bỏ vốn đầu tư nhà xưởng để khi đại dịch Covid-19 qua đi, có thể bắt tay ngay vào sản xuất”.
Trong các dự án đang xây dựng hiện nay tại các KCN có 71 dự án của doanh nghiệp FDI đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), các nước châu Âu… Tổng vốn đầu tư các dự án là hơn 1,72 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đăng ký sản xuất công nghiệp với nhiều mặt hàng khác nhau, song trong đó khá nhiều sản phẩm là công nghiệp hỗ trợ để cung ứng cho ngành sản xuất máy móc, thiết bị và phụ tùng; điện, điện tử; dệt may, giày dép… Trong đó, những KCN có nhiều DN đang xây dựng hoàn thiện nhà xưởng, văn phòng hiện nay là KCN Nhơn Trạch 6, KCN Ông Kèo (H.Nhơn Trạch); KCN Lộc An – Bình Sơn (H.Long Thành), KCN Dầu Giây (H.Thống Nhất), KCN Bàu Xéo, KCN Giang Điền (H.Trảng Bom).
Ông Bang Jin Woo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam ở KCN Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Công ty đầu tư thêm 100 triệu USD để làm nhà máy tại KCN Tân Phú (H.Tân Phú) và sau gần 1 năm hoàn thành phần xây dựng và tiến hành lắp đặt máy móc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên máy móc nhập khẩu về chậm hơn so với dự kiến, thời gian đưa nhà máy vào vận hành bị kéo dài hơn”. Nhà máy mới này của Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam có công suất khoảng 27 triệu đôi giày/năm và dự tính có thể giải quyết việc làm cho 12 ngàn lao động khu vực miền núi.
* Chuẩn bị trước để không bị động
Thời gian này, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trên địa bàn đều gặp khó khăn về nguyên liệu, đơn hàng và có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động ở một số dây chuyền, nhà máy song họ vẫn bỏ vốn ra đầu tư nhà xưởng, mua máy móc thiết bị và nhanh chóng hoàn thiện. Một mặt, các doanh nghiệp vẫn phải tìm cách vượt qua khó khăn trước mắt, mặt khác cố gắng chuẩn bị trước, đợi khi dịch qua đi và các đơn hàng xuất khẩu được khơi thông sẽ bắt tay vào sản xuất hàng hóa ngay, tránh rơi vào trạng thái bị động.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển KCN, Tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Giang Điền, chủ đầu tư KCN Giang Điền chia sẻ: “Các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KCN Giang Điền triển khai khá nhanh việc xây dựng nhà xưởng. Hiện diện tích đất trong KCN đã được doanh nghiệp đăng ký thuê gần hết”.
Từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, phần lớn các doanh nghiệp thuê đất trong các KCN để triển khai dự án. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm hơn 50% trong tổng các dự án đầu tư mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước vẫn đến Đồng Nai đầu tư. Do đó, bên cạnh công việc phòng chống dịch tốt, các sở, ngành, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư mới, tăng vốn đầu tư vào tỉnh. Thu hút đầu tư của tỉnh vẫn ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và có giá trị gia tăng cao”.
Hiện nay, các KCN trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, trong số đó hơn 15 KCN đã cho thuê hết đất. Vì thế, nhiều KCN đang đề xuất UBND tỉnh cho mở rộng diện tích để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào thuê đất sản xuất.
Uyển Nhi
Bài sau: Nhu cầu thuê nhà kho tăng cao